Bắc Giang chỉ đạo việc áp dụng Hóa đơn điện tử, quản lý nợ và thu hồi nợ thuế

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Ngày 24/6/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Công văn số 3332/UBND-KTTH về việc triển khai thực hiện công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh.

Công chức Một cửa Cục Thuế tỉnh tiếp nhận hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang (Ảnh minh họa).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Chỉ đạo Chống thất thu ngân sách Nhà nước tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử (HĐĐT) và việc đôn đốc, thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất theo quy định. Cục Thuế tỉnh - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm kịp thời rà soát thành viên, Quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo và từng thành viên, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động triển khai thực hiện theo yêu cầu của Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt xong trước ngày 10/7/2024.

Về công tác triển khai áp dụng Hóa đơn điện tử

Cục Thuế tỉnh: Chủ trì rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng như: nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống, kinh doanh vận tải hành khách đường bộ, xăng dầu, kinh doanh vàng bạc, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí, bán vé sân golf và cung cấp dịch vụ trong sân, dịch vụ thẩm mỹ, bán lẻ thuốc tân dược, phí đường bộ, cáp treo, vé thăm quan du lịch…thực hiện đăng ký áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong năm 2024 (đạt tối thiểu 70% tổng số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng theo Kế hoạch triển khai của Cục Thuế). Chủ trì thành lập hoặc tham mưu, đề xuất cấp, cơ quan có thẩm quyền thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành thực hiện kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký áp dụng HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong các lĩnh vực kinh doanh, đảm bảo 100% giao dịch được ghi nhận và xuất đầy đủ HĐĐT; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp đã đăng ký nhưng không áp dụng, áp dụng không đầy đủ việc lập HĐĐT, vi phạm pháp luật về thuế.

Các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chi cục Hải quan quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Bất động sản tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc triển khai hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả; thực hiện tuyên truyền đối với người bán hàng và người mua hàng về lợi ích của việc sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trong việc đáp ứng yêu cầu phải xuất hóa đơn liên tục, 24/7, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua hàng lấy hóa đơn điện tử một cách thuận tiện.

Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các Sở, cơ quan liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm tình hình hoạt động của doanh nghiệp theo chuyên ngành, đồng thời phối hợp với cơ quan Thuế để giám sát và phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là hành vi mua bán hóa đơn.

Về công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế

Cục Thuế tỉnh: Chủ trì, rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hàng tháng, Cục Thuế tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND cấp huyện triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế; công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân vi phạm; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

UBND cấp huyện và các sở, cơ quan: Công an, Thông tin truyền thông, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên môi trường, Tài chính, Ngân hàng nhà nước tỉnh Bắc Giang (chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh)... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi nợ đọng thuế. Đặc biệt, đối với các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản dây dưa kéo dài, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có) để sớm xử lý thu hồi nợ thuế. Đối với các dự án chây ỳ, nợ thuế kéo dài, không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, UBND cấp huyện, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật hiện hành đề xuất, tham mưu cho cấp có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi đất theo quy định.

Sở Thông tin truyền thông, Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật thuế, đặc biệt quan tâm phổ biến các quy định pháp luật về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên các kênh thông tin để người nộp thuế tự giác tuân thủ thực hiện nghĩa vụ thuế, không để phát sinh nợ đọng thuế.

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục thuế tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nội dung chỉ đạo trên. Kết quả tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định./.

                                                                                                                        NV.Dũng

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21,406
Tổng số trong ngày: 5,942
Tổng số trong tuần: 40,152
Tổng số trong tháng: 121,400
Tổng số trong năm: 717,251
Tổng số truy cập: 1,519,284