Bắc Giang tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Công văn số 2247/UBND-KGVX ngày 04/5/2024 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người.

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận 33 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023. Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong do bệnh dại, 3.080 trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người bị chó, mèo cắn nhưng không đi tiêm phòng huyết thanh kháng dại, không tiêm vắc xin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định, trong khi đó số lượng chó, mèo trên địa bàn tỉnh chưa tiêm vắc xin phòng dại còn nhiều, khoảng trên 30.000 con. Để chủ động ngăn chặn nguy cơ gia tăng số người phải điều trị dự phòng bệnh dại, giảm số ca tử vong do bệnh dại.

Để tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:  

1. Sở Y tế: Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại ở người: Tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người, cách sơ cứu khi bị chó, mèo nghi dại cắn, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, không chữa bệnh dại bằng thuốc đông y hoặc các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận…  Tổ chức tập huấn về chuyên môn, chỉ định, kỹ thuật tiêm vắc xin, huyết thanh kháng dại cho cán bộ y tế; kỹ năng điều tra, giám sát, chẩn đoán xác định, xử lý ổ dịch.  Chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng dự trù đầy đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Tổ chức tiêm phòng và điều trị dự phòng bệnh dại kịp thời cho người bị động vật cắn.  Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tiêm vắc xin dại và huyết thanh kháng dại cho người. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng các phương pháp chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành để khám, điều trị cho người nghi bị bệnh dại hoặc người bị chó, mèo cắn.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổ chức truyền thông sâu rộng về quản lý chó, mèo và các biện pháp phòng, chống bệnh dại; trách nhiệm phải đưa vật nuôi chó, mèo đi tiêm phòng dại đẩy đủ, định kỳ. Tăng cường giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý ổ dịch dại trên người và động vật. Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ thú y để nâng cao kỹ năng giám sát, những biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút bệnh dại, đánh giá nguy cơ, điều tra và xử lý ổ dịch bệnh dại.  Phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo trên toàn tỉnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng năm 2024 đạt 100%.  Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dại tại các địa phương có nguy cơ cao về bệnh dại, các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo đạt thấp.  Định kỳ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh bằng văn bản về kết quả tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi của các huyện, thị xã, thành phố vào ngày 15 và ngày cuối cùng hằng tháng, kể từ tháng 5 năm 2024.

3. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo Báo Bắc Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin bài về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo và tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ; khi cho chó ra đường phải có dây dẫn, rọ mõm, không thả rông nhất là ở nơi đông người. Tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở người, cách sơ cứu khi bị chó, mèo nghi dại cắn, tác dụng của việc tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Khuyến cáo người dân không chữa bệnh dại bằng thuốc đông y hoặc các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận…

4. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường truyền thông học đường về phòng, chống bệnh dại. Hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo cho cha, mẹ hoặc người thân ngay sau khi bị chó, mèo cắn.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo, hoàn thành sớm chỉ tiêu được giao; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo trên địa bàn (Qua Sở NN&PTNT). Đẩy mạnh giám sát, cảnh báo và áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh dại. Phát hiện sớm các ổ dịch dại hoặc nghi dại trên động vật để có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây nhiễm bệnh dại sang người. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người nuôi chó, mèo với cộng đồng do tính chất nguy hiểm của bệnh dại chó, mèo; coi phòng bệnh dại cho chó, mèo là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất cho người. Khi phát hiện chó, mèo có triệu chứng nghi dại phải báo ngay chính quyền địa phương, cơ quan Thú y để kịp thời xử lý ổ dịch dại. Chỉ đạo phối hợp liên ngành y tế - thú y trong việc giám sát, lấy mẫu bệnh dại trên động vật dựa vào người bị động vật cắn đi tiêm phòng. Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

6. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh còn đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh: Lồng ghép tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dại tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị được biết để áp dụng các biện pháp phòng bệnh hiệu quả./.

                                                                                                                  Nguyễn Đức Anh

 

User Online: 20,739
Total visited in day: 63
Total visited in Week: 1,609
Total visited in month: 61,971
Total visited in year: 552,732
Total visited: 1,354,765