Sở Tư pháp Bắc Giang triển khai thực hiện nhiệm vụ chỉ số DDCI năm 2004

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Sở Tư pháp Bắc Giang vừa triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI) năm 2004 của Sở Tư pháp nhằm tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI), góp phần thực hiện có hiệu quả, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang.

Sở Tư pháp Bắc Giang tổ chức đối thoại với doanh nghiệp hằng năm.

Yêu cầu việc triển khai thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh cấp sở phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, có hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Sở; các phòng, đơn vị trực thuộc theo quy định, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, phòng, đơn vị thuộc Sở và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Sở.

Sở Tư pháp đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ số thành phần DDCI.

Nâng cao “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin”

Cập nhật đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực tư pháp lên Cổng thông tin điện tử của Sở; cập nhật thường xuyên, kịp thời các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành thuộc lĩnh vực tư pháp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Hệ thống thông tin pháp luật tỉnh; cập nhật, đăng tải thường xuyên các thông tin mới về pháp luật, đề cương tuyên truyền pháp luật, các dự thảo văn bản QPPL lấy ý kiến, giải đáp pháp luật, cung cấp đầy đủ các cơ chế chính sách liên quan đến lĩnh vực tư pháp trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở.

Thực hiện nghiêm túc việc công khai các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc lĩnh vực tư pháp đã được công bố đảm bảo 100% TTHC đều được công khai trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng thông tin điện tử của Sở, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; nâng cao chất lượng dịch vụ công; nghiêm túc thực thi đầy đủ các quy định về cải cách TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp. Kịp thời rà soát tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh quyết định ban hành danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới trong lĩnh vực tư pháp, đồng thời công khai 100% TTHC theo quy định. Tiếp tục thực hiện rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt phương án giản hóa TTHC thuộc phạm vi giải quyết của Sở Tư pháp để đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ có nội dung thông tin trùng lắp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có.

Nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp, giảm thời gian đi lại, giảm thời gian chờ đợi, tạo thuận lợi tốt nhất cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ tổ chức, cá nhân trong giao dịch, giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp (gửi nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích, kê khai hồ sơ, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến) thông qua các hình thức như trực tiếp khi tiếp nhận hồ sơ TTHC, qua điện thoại, tờ gấp tuyên tuyền, clip hướng dẫn TTHC. Thực hiện quy trình số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tối thiểu là 70%. Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, đảm bảo tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công tối thiểu là 40%.

Quán triệt nghiêm công chức, viên chức của các phòng, đơn vị luôn phải đổi mới trong tư duy, nhận thức và hành động khi thi hành công vụ nhằm tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”; chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện nghiêm phương châm “4 xin” (Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép); “4 luôn” (Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) và “5 không” (Không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà; không quan liêu vô cảm, vô trách nhiệm; không tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm; không xu nịnh, chạy chọt, gian dối; không lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi công vụ). Thay đổi ứng xử theo tinh thần “thân thiện, lắng nghe, đồng cảm, tận tâm”.

Bộ phận Một cửa Sở Tư pháp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang (Ảnh minh họa).

Không “Chi phí không chính thức” và giảm “Chi phí thời gian”

Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo thẩm quyền. Đảm bảo các hoạt động thanh tra, kiểm tra không gây cản trở đến hoạt động của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp. Không để hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp xảy ra.

Thường xuyên rà soát, đề xuất cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực tư pháp so với quy định hiện hành, nhất là các TTHC liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp nhằm rút ngắn về thời gian, giảm về kinh phí, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp không phải trả thêm chi phí nào ngoài các chi phí theo quy định pháp luật.

Hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng

Đảm bảo tất cả các tổ chức hành nghề, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư pháp đều bình đẳng, không có sự hiện diện của doanh nghiệp thân quen.

Thường xuyên tổng hợp danh sách mạng lưới tư vấn viên pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp gửi Bộ Tư pháp cập nhật.

Tiếp nhận, giải đáp hoặc chuyển, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Sở trên cơ sở nhu cầu của các tổ chức hành nghề, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp.

Tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp. Tổ chức hội nghị đối thoại về TTHC thuộc chức năng, nhiệm cụ của Sở cho các tổ chức hành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Duy trì nhóm Zalo và thực hiện hỗ trợ các các tổ chức hành nghề, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.

Thực hiện chỉ số “Thiết chế pháp lý”

Thực hiện theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp theo đúng quy định pháp luật.

Gửi văn bản trả lời đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư pháp lên chuyên mục “Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý” của Cổng thông tin điện tử theo quy định pháp luật.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động bổ trợ tư pháp (trọng tâm là lĩnh vực luật sư): Cung cấp thông tin về việc đăng ký hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư cho cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có yêu cầu theo quy định của pháp luật; Tăng cường phối hợp với Đoàn luật sư thực hiện quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư trong việc theo dõi, chỉ đạo, tập huấn để nâng cao chất lượng, vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tư vấn pháp luật nói chung và khi tham gia tố tụng nói riêng; Giới thiệu, đề xuất mời một số luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tại các phiên tòa theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

“Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của sở, ban, ngành” và “Vai trò người đứng đầu sở, ban, ngành”

Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tư pháp, nâng cao năng lực cạnh tranh của Sở Tư pháp nói riêng và của cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố thuộc tỉnh Bắc Giang (DDCI) nói chung; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tư pháp.

Chủ động, linh hoạt trong quản lý điều hành phù hợp với pháp luật, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức hành nghề, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tư pháp. Kịp thời giải quyết, khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tư pháp khi cần thiết; thống nhất cao chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm cải cách, tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực tư pháp đổi mới, sáng tạo, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh.

Tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý đảm bảo không còn tình trạng công chức, viên chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tư pháp.

Chỉ đạo người đứng đầu các phòng, đơn vị và toàn thể công chức, viên chức, người lao động nêu cao trách nhiệm trong việc tự nghiên cứu, tìm hiểu để nắm chắc các văn bản về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, quốc gia và các chỉ số khác có liên quan (DDCI, SIPAS, PAPI, PAR INDEX), đồng thời tuyên truyền, phổ biến thông qua việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Công Chính

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14,902
Tổng số trong ngày: 4,291
Tổng số trong tuần: 4,290
Tổng số trong tháng: 98,191
Tổng số trong năm: 483,359
Tổng số truy cập: 1,285,392